Tìm hiểu minh triết Hồ Chí Minh trong Di chúc – bản văn gần 1.000 từ Người để lại cho đồng bào, đồng chí và bầu bạn quốc tế, chúng ta thêm một lần được thấu hiểu và thấu cảm về Người.
Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
1. Năm mươi năm đã đi qua kể từ khi Người “rời cõi tạm”, trở về thế giới người Hiền. Đó cũng là 50 năm chúng ta biết đến “Tài liệu tuyệt đối bí mật” mà Người viết từ lúc 75 tuổi với tất cả sự minh mẫn, thông tuệ của bậc Đại Trí – Đại Nhân – Đại Dũng, của một con người có “tâm hồn lộng gió thời đại”. Nhà tư tưởng mác-xít sáng tạo Hồ Chí Minh, nhà biện chứng thực hành Hồ Chí Minh(1) còn là người chiến sĩ kiên cường tranh đấu cho độc lập tự do để không ngừng nâng cao phẩm giá con người. Trong những thời điểm thử thách nghiệt ngã của lịch sử, con người ấy đã cất lên tiếng nói “Thà hy sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ”(2), đã truyền đi một thông điệp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”(3). Con người ấy, sau 24 năm liền là nguyên thủ quốc gia, đã sống và chiến đấu hết mình, lúc ra đi, “không có điều gì phải hối hận” nhưng vẫn có một niềm tiếc nuối đầy cao thượng(4).
Hồ Chí Minh suốt đời lạc quan tin tưởng vào tương lai của cách mạng, khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi, đế quốc Mỹ xâm lược nhất định thua, đó là một điều chắc chắn(5), bởi Người nắm chắc xu thế của lịch sử. Thông thường, con người ta khi viết Di chúc bao giờ cũng mang theo tâm trạng buồn, bởi sự sống hữu hạn của một bản thể đã sắp hết và cái chết đang đến gần. Vậy mà Hồ Chí Minh viết Di chúc để mừng sinh nhật 75 tuổi, tỉnh táo và mẫn tiệp biết rằng mình đã thuộc lớp người xưa nay hiếm, “nhân sinh thất thập cổ lai hy” nên thanh thản viết sẵn mấy lời để lại cho đồng bào và các đồng chí trong Đảng. Không biết trên đời này còn có ai như Hồ Chí Minh, chọn dịp sinh nhật để viết di chúc, để vui chứ không buồn.
Sự sống – vốn mạnh hơn cái chết. Lấy sự sống để vượt lên cái chết, với Hồ Chí Minh là một bản lĩnh văn hóa. Người thực sự là một hiện tượng văn hóa độc đáo. Con người Hồ Chí Minh và bản văn Di chúc của Người là trường hợp hy hữu của lịch sử. Lý giải điều này cần phải tìm trong minh triết Hồ Chí Minh. Người cộng sản hiện đại, nhà tư tưởng mác-xít hiện đại nhưng lại mang cốt cách hiền triết Á Đông, đậm bản sắc Việt Nam.
“Giản dị – Lão thực – Hiền minh” (Phạm Văn Đồng), đó là đặc trưng nổi bật ở Người. Đặc trưng nổi bật ấy làm nên văn hóa Hồ Chí Minh, cô đọng và kết tinh trong minh triết, thể hiện qua Di chúc của Người.
2. Di chúc Hồ Chí Minh mang tầm cao tư tưởng của một lãnh tụ kiệt xuất – Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Lý luận là hạt nhân của tư tưởng và chỉ với 1.000 từ, Người đã làm một tổng kết lớn lý luận và thực tiễn về cách mạng Việt Nam, về sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mà Người một đời gắn bó, dấn thân và dâng hiến. Đã bao lần Người trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài. Những ngày đầu của chính thể Cộng hòa dân chủ mới ra đời, một nhà báo hỏi Người: “Đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Chủ tịch?”. Người đã trả lời thật rành rọt: “Độc lập cho Tổ quốc tôi. Tự do, hạnh phúc cho dân tộc và đồng bào tôi. Đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”. Vậy là Người đã lựa chọn và khẳng định một lẽ sống, một hệ giá trị cốt lõi của phát triển: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Vào cuối đời, lại một nhà báo phỏng vấn Người, rằng, đối với Người, đâu là điều thiêng liêng nhất? Câu trả lời của Người thật ngắn gọn, cao cả và thiêng liêng, “Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho Dân tộc tôi, cho Nhân dân tôi và cho cả nhân loại”.
Người đã đi qua lô-gích của cuộc đời mình một cách trọn vẹn, toàn vẹn, nhất quán, không chỉ dấn thân để tranh đấu, hy sinh và dâng hiến mà còn hóa thân vào Dân, Nước.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cảm nhận sâu sắc về Người với một nhận xét: Đời Hồ Chí Minh trong như ánh sáng, trong suốt như pha lê, không một vết gợn. Được như thế bởi Người suốt đời không màng danh lợi, ở ngoài vòng danh lợi.
Linh cảm mách bảo Người, không thể đợi đến ngày toàn thắng, dù niềm tin ở Người là mãnh liệt, nên Người đã viết trong Di chúc “Nếu như tôi đã qua đời mà miền Nam vẫn chưa được giải phóng thì xin gửi lại một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”(6). Trong lần sửa chữa sau đó, Người đã gạch bỏ chữ “xương” đi, để lại chữ “tro”. Người căn dặn “Tro thì chia vào ba hộp sành. Cho miền Bắc một hộp, miền Nam một hộp, miền Trung một hộp. Đồng bào mỗi miền tìm quả đồi mà chôn hộp tro đó, đỡ tốn đất ruộng của dân”(7). Với ý muốn được nằm trong lòng đất mẹ, trở về với thiên nhiên, Người gợi ý được nằm ở Tam Đảo hoặc Ba Vì, nơi có nhiều đồi đẹp(8).
Người nói rõ, “trên mả không cần bia đá tượng đồng. Chỉ cần một ngôi nhà thoáng đãng, giản đơn để ai đến thăm thì có chỗ nghỉ ngơi. Người dặn trồng cây quanh mộ, lâu dần cây sẽ thành rừng, vừa đẹp cho phong cảnh, vừa lợi cho nông nghiệp(9). Đó thực sự là suy nghĩ mang tinh thần minh triết. Đến thân thể, tro xương, hài cốt của mình Người cũng nghĩ không còn thuộc về mình nữa. Người nghĩ tới Dân, trao gửi cho Dân. Sống đã vì Dân nên tất cả đều thuộc về Dân. Người đã từng nói lời cảm ơn khi đồng bào chúc thọ sinh nhật Người 56 tuổi, năm 1946 “Từ trước đến giờ tôi đã thuộc về đồng bào thì từ giờ về sau tôi vẫn mãi mãi thuộc về đồng bào”. Người đã giữ trọn lời nguyện đó.
Trên giường bệnh, phút lâm chung, Người nhìn tất cả mọi người thật trìu mến thân thương thay cho lời nói, bởi biết nói thế nào cho đủ. Người đã khóc, nước mắt của Người đẫm trên diềm gối. Và Người đã nói: “Bác không thể bỏ dân mà đi được”. Vậy là Hồ Chí Minh trọn một đời Ái Quốc để Ái Dân. Người hỏi: “Mặt trận Bình Long hôm nay ra sao? Miền Nam thắng ở đâu?”. Trong phòng bệnh của Người có treo bản đồ chiến sự. Hôm đó, tin thắng lớn ở Bình Giã, Đồng Xoài làm cho Người rất vui, bởi miền Nam luôn trong trái tim Người. Rất mực quan tâm đến Dân, nhất là nông dân một đời gian nan khó nhọc nên Người hỏi: “Đê vỡ có nhiều không? Có kịp sơ tán dân đi không?”. Là nhà giáo đã từng dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) từ lúc mới 20 tuổi, Người ân cần chăm sóc đàn cháu nhỏ nên Người hỏi: “Sắp đến ngày khai giảng, các chú chuẩn bị trường lớp, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?”. Vậy đó, con người minh triết, tư tưởng minh triết và hành động minh triết ở Hồ Chí Minh đã hòa quyện làm một, thấm nhuần trong từng lời văn, câu nói giản dị thân tình. Tất cả đều toát lên đức hy sinh và lo toan. “Quên nỗi mình đau để nhớ chung”.
Khi Người trút hơi thở cuối cùng – thật linh thiêng từ những trùng hợp ngẫu nhiên trong sự sống đời thường: Trái tim Người ngừng đập đúng vào 9 giờ sáng – đó là giờ Người viết Di chúc. Người vĩnh viễn ra đi vào 9 giờ 47 phút sáng ngày 02/9/1969, khi mọi nỗ lực hồi sức cho Người của các bác sĩ đều không thể. Hãy thấu nỗi đau của các thầy thuốc, muốn chết thay cho Người mà không được. Trên ngực áo của Người chỉ có nước mắt của các bác sĩ nhỏ xuống mà không hề có một tấm huân chương! Khoảng giờ ấy là linh thiêng, bởi đó là giờ Người đã viết và sửa Di chúc, hoặc đọc báo, chăm chú từng thông tin về “người tốt việc tốt”. Người để lại câu nói đi vào lịch sử và trở thành một trong những danh ngôn: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc là một vườn hoa đẹp”. Bài “Bác ơi” cũng như trường ca 500 câu “Theo chân Bác” của Tố Hữu viết trong nước mắt những ngày tang lễ và sau tang lễ thực sự được viết với tinh thần minh triết, đúng với con người minh triết Hồ Chí Minh:
– “Bác sống như trời đất của ta”…
– “Bác vui như ánh buổi bình minh”
– “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”
– “Bác chẳng buồn đâu Bác chỉ đau”…
Tố Hữu (“Bác ơi”).
Gần 1.000 từ trong Di chúc không một lần nào Người nói đến cái chết, sự chết, ngay chữ “chết” cũng không hề có trong Di chúc. Người chủ động “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Người nhắc đến quy luật của muôn đời một cách bình thản nhưng lại căn dặn chúng ta điều hệ trọng “sau khi tôi đã qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(10). Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho tất cả mọi người, từ cụ già tới em nhỏ, từ đồng bào trong nước đến bầu bạn quốc tế. Quả thật là trong trái tim với tình thương bao la của Người có chỗ cho tất cả mọi người, không sót một ai như nhận xét tinh tế của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Người nói rõ điều mong muốn cuối cùng, tức là tâm nguyện của Người, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới(11). Đó chính là quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội Việt Nam, mà Đảng ta tái hiện nguyên vẹn tư tưởng minh triết này của Người trong Cương lĩnh của Đảng. Đó không chỉ là khoa học mà còn là đạo đức, là chất nhân văn trong tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc với tinh thần thời đại hàm chứa trong đó minh triết Hồ Chí Minh trên tất cả các bình diện chính trị – khoa học – đạo đức mà sâu xa là văn hóa.
3. Minh triết Hồ Chí Minh trong Di chúc không chỉ thể hiện tư tưởng ở tầm cao thời đại mà còn kết tinh ở đạo đức trong sáng và cao thượng, ở phong cách giản dị, hài hòa, thấu lý đạt tình, trọn tình vẹn nghĩa của một con người, con người viết hoa Chân – Thiện – Mỹ mang tên Hồ Chí Minh.
“Phong cách chính là con người” (Buýp Phông). Những giá trị đặc sắc, những nét riêng sáng tạo độc đáo, không thể lẫn với một ai khác làm nên phong cách của người đó. Ai cũng tiềm tàng một khả năng trở thành phong cách nhưng có phong cách hay không lại còn tùy thuộc vào kết quả của trường đời rèn luyện, trải nghiệm. Con người tự thể nghiệm mình, trong sống và hoạt động. Sự “nghiệm sinh” này vừa là thâu thái cho mình tri thức để hiểu biết, vừa là tích lũy vốn sống và kinh nghiệm để trải lòng, để suy ngẫm, điều chỉnh và chắt lọc giữa muôn việc, muôn người, trong mọi hoàn cảnh và giữa các mối quan hệ, tự nhận thức về mình, tự đánh giá về mình và về người, hình thành lối sống và ứng xử. Chính trong thực tiễn này, con người sàng lọc giữa cái chân và cái giả, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cao thượng và cái thấp hèn và trong trường đời tranh đấu mà nhận ra cái “bất biến” giữa muôn vàn “khả biến” để sáng suốt trong những khẳng định cũng đồng thời tỉnh táo, cẩn trọng, thậm chí đủ bản lĩnh để phủ định, khước từ một điều gì đó, hữu hình hoặc vô hình. Năng lực ấy dường như là “hợp điểm” của trí tuệ và đạo đức. Trí tuệ được thúc đẩy từ tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo nhờ học trong sách vở và trong cuộc đời, biết phê phán và tự phê phán, thức tỉnh và tự thức tỉnh. Trí tuệ ấy còn đến từ những mách bảo khôn ngoan của ông thầy vĩ đại là cuộc sống. Bằng thể nghiệm và trải nghiệm mà “đụng chạm vào chân lý” (Ga Loa), suốt đời tìm tòi chân lý để “tự do phục tùng chân lý” khi đã hiểu và tin, có niềm tin và theo đuổi đức tin đến cùng dù phải trải qua bao gian nan, hiểm nguy cả những thử thách giữa cuộc đời và số phận.
Đạo đức bảo đảm cho trí tuệ trở nên minh xác đạt tới minh triết, không lạc đường, sai hướng trong lựa chọn giá trị làm lẽ sống ở đời. Đạo đức vừa như nền tảng tinh thần cho con người có trí tuệ sáng suốt, vừa có nội dung trí tuệ, có lý trí dẫn dắt bởi đây là đạo đức của hành động, của sự dấn thân để “ở đời thì phải thân dân”, “làm người thì phải chính tâm”.
Chắt lọc mọi tiến bộ và tinh hoa của tư tưởng thân dân bao đời đã đưa Hồ Chí Minh đến sự phát triển mới về chất của tư tưởng thân dân, đó là dân chủ và thực hành dân chủ. Cũng như vậy, đem trí tuệ khoa học của người cách mạng làm bộ lọc từ những chính tâm của bao đời, biểu hiện ở những con người cao quý, Hồ Chí Minh đã làm cho chính tâm được thăng hoa bởi đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính. Đó là bốn đức để làm người, thiếu một đức thì không thành người, đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn. Song ở đời, ai cũng là người thường, không có ai là thần thánh cả nên phải rèn luyện suốt đời theo bốn đức của chính tâm thời đại cách mạng, nghĩa là suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân, giặc nội xâm, ẩn nấp ở trong lòng, “phá từ trong phá ra”. Cuộc chiến đấu thầm lặng đó với chính mình sẽ có không ít sự “đau đớn ở trong lòng”, đau đớn như giã gạo vậy (“Nghe tiếng giã gạo” – Nhật ký trong tù).
Trí tuệ và đạo đức ấy trong cuộc đời Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp Hồ Chí Minh “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sáng lập và rèn luyện Đảng thành một Đảng cách mạng chân chính, “Đảng là đạo đức, là văn minh” làm nên minh triết của Người, nổi bật ở lời Người dặn trong Di chúc:
– Trước hết nói về Đảng
– Đầu tiên là công việc với con người.
Tinh thần và lời văn của Người trong Di chúc đem lại cho chúng ta sự nhận chân sâu xa nhất về minh triết với những dấu hiệu đặc trưng bản chất của nó.
Đó là sự sâu sắc, sự sáng tỏ của tư tưởng đến độ kết tinh và của sự truyền dẫn tư tưởng đến tầm thông thái của bậc hiền triết mà giản dị đến vô cùng, nên mỗi lời của Người đều có sức lắng đọng, “ám ảnh”, mỗi chữ như có thần thái tỏa sáng. Con người minh triết là kết quả sinh thành từ một cuộc đời minh triết – sống vì Nước vì Dân, phút ra đi “Lời di chúc gửi êm bên gối”, vẫn một lòng một dạ yêu nước thương dân, “nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
Đó là đạo đức trong sạch vẹn toàn, là tấm gương đạo đức thanh cao, là sự chiến thắng chủ nghĩa cá nhân bằng sức mạnh tốt đẹp nhất của đạo đức cách mạng. Bởi thế, cả cuộc đời Hồ Chí Minh là cần lao tranh đấu, tận tụy hết mình, là thực hành tiết kiệm đến mức khắc khổ để nêu gương. Di chúc viết trên mặt sau của một tờ tin tham khảo đựng trong một chiếc phong bì, vậy mà “Sau bản tin một đêm Người ký thác chuyện muôn đời” (Chế Lan Viên). Con người tỏa sáng tấm gương đến mức huyền thoại về “cần kiệm” cũng là con người đạt đến mức lý tưởng của liêm và chính, lòng dặn lòng suốt đời chỉ làm việc lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, mọi việc lớn nhỏ trong đời đều chỉ vì dân, đặt việc dân, việc nước lên cao nhất “dĩ công vi thượng”, muốn vậy phải “quang minh chính đại” và “tinh thành đoàn kết”. Sống như thế nên dù có phải từ biệt thế giới này, trong lòng không có gì phải hối hận.
Có một triết lý kinh điển của Phật giáo dạy ta rằng, “từ bi hỉ sả”, “vô ngã vị tha”. Hồ Chí Minh thực hành triết lý ấy bằng hành động dấn thân và hy sinh. Cuộc đời và sự nghiệp của Người, tư tưởng và đạo đức của Người cũng như phương pháp và phong cách của Người tạo nên nhân cách và lối sống Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh cho ta nhận rõ: Người là hiện thân của một bản ngã rất mạnh, cao cả và phi thường mà cũng rất đỗi đời thường, không siêu phàm mà tột cùng trần thế, nhân bản, lớn lao về tầm vóc tư tưởng và đạo đức mà vẫn hết sức gần gũi, thân thương với mọi người, mọi cảnh đời, mọi số phận để cảm thông và chia sẻ.
Bản ngã mạnh của Hồ Chí Minh làm nên lẽ sống và hành động vô ngã hoàn toàn ở Người, làm nên đức vị tha, nhân ái, khoan dung vĩ đại của Người. Đủ thấy, tự biểu hiện đầy đủ nhất cái “bản ngã” để tự thể hiện chân thực nhất cái “vô ngã”. Bởi một đời không màng danh lợi, bởi tuyệt đối đứng ngoài vòng danh lợi nên bản lĩnh ấy nuôi dưỡng, phát triển và hoàn thiện tốt nhất lẽ sống vị tha, lòng nhân ái, đức khoan dung, độ lượng, độ lượng vĩ đại của Hồ Chí Minh. Những mong người cách mạng phải biết “nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người”, nên Người đi trước, làm trước, thực hành trước để nêu gương, để thúc đẩy.
Đã một lòng vì Dân vì Nước, vì Đảng thì bao giờ cũng giữ cho mình công tâm và trong sáng. Bởi thế mà thành thật, ngay cả trong tự phê bình và phê bình, như rửa mặt hàng ngày.
Cũng đủ hiểu vì sao, đạo đức cách mạng trở thành chủ đề nổi bật, lớn nhất trong sự quan tâm thường trực suốt đời của Hồ Chí Minh, từ đầu với “Đường cách mệnh” (năm 1927) đến cuối với “Di chúc” (1965 – 1969), với “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (ngày 3/2/1969).
Vì đạo đức là đạo đức hành động chứ không chỉ tu tâm dưỡng tính cho riêng bản thân mình nên trong một đoạn ngắn nói về Đảng cầm quyền mà Người coi đây là điều dặn trước hết, trên hết, Người nói tới đoàn kết, Người căn dặn, đây là truyền thống quý báu của dân tộc, của Đảng, “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(12).
Đặc biệt là bốn lần Người nhắc tới chữ “Thật” khi nói về Đảng cầm quyền: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(13).
Đoạn văn ngắn trên đây thực sự là một chủ thuyết đạo đức của Đảng Cộng sản cầm quyền, nổi bật minh triết đạo đức trong chính trị của Hồ Chí Minh. Nó nhất quán với quan niệm đầy tinh thần minh triết Hồ Chí Minh về chính trị. “Chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết”. Khi dặn dò về xây dựng Đảng, Người nhấn mạnh, ngay sau ngày cách mạng toàn thắng, việc đầu tiên phải làm là “tập trung chỉnh đốn lại Đảng”. Đó là tầm viễn kiến của Người, là dự báo chiến lược mà trong đó có cả minh triết trực giác đầy mẫn cảm của Người.
Di chúc đề cập một tư tưởng nhân văn cao quý: “đầu tiên là công việc với con người”. Người căn dặn thật tỉ mỉ, thấu đáo, đầy tinh thần trách nhiệm với con người và cuộc sống, trong hiện tại và tương lai, từ việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết(14), đến việc quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên, kể cả tham gia công tác lãnh đạo(15), cho đến thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa cho những người có công, những gia đình có công với nước, giáo dục lòng biết ơn về đạo lý, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc. Người không quên căn dặn Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch, chính sách cụ thể, chủ động và chu đáo, tránh rơi vào bị động, thiếu sót và sai lầm để chăm lo cuộc sống cho người dân sau chiến tranh. Phát triển kinh tế và văn hóa, chăm lo công tác y tế, vệ sinh, sửa đổi giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới, từ miền xuôi đến miền ngược để phục vụ dân sinh, nhất là với những đối tượng khó khăn nhất, những vùng khó khăn nhất.
Miễn thuế nông nghiệp cho bà con nông dân ngay sau khi giải phóng miền Nam, giáo dục cải tạo những người trong chế độ cũ, đưa họ về với cộng đồng trong tình đoàn kết, trong sự đồng thuận… Không sót việc, sót người, minh mẫn sáng suốt trong lời căn dặn trước sau – Đó là độ lớn và chiều sâu trong minh triết Hồ Chí Minh.
Nói về đoàn kết quốc tế, trong các đảng anh em, trong các nước anh em, Người đã thành thật giãi bày nỗi lòng mình: Càng tự hào về sự lớn mạnh của cách mạng bao nhiêu thì càng đau lòng bấy nhiêu về sự bất hòa giữa các đảng, giữa các nước anh em(16). Phải nói thẳng, nói trực tiếp nỗi đau này đối với một người như Hồ Chí Minh, nhất là trong những năm cuối đời, trong những giờ phút mà cuộc đi xa của Người đang tới gần… thì nỗi đau ấy càng thấm thía, xót xa, là muôn nỗi đau đớn lo âu dồn góp lại. Vẫn hết sức sáng suốt và hy vọng, Người mong Đảng ta đã làm hết sức mình để củng cố tình đoàn kết, Người tin, các đảng, các nước anh em rồi nhất định sẽ phải đoàn kết lại.
Ai nấy đều biết, đoàn kết có ý nghĩa sâu xa như thế nào trong nỗ lực hoạt động, trong sự nghiệp của Người. Lý và tình, chân thành và tin cậy, thủy chung son sắt với chủ nghĩa quốc tế chân chính, với cội nguồn yêu nước và chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh trong Di chúc có sức cảm động và cảm hóa đến muôn người.
4. Minh triết Hồ Chí Minh trong Di chúc, ở tầm dự báo và dự phóng tương lai còn có thể nhận ra từ quan niệm của Người về đổi mới và hội nhập. Với tất cả sự nhạy cảm và linh cảm, Người biết rằng, đổi mới là thường xuyên và lâu dài, là một cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng, lỗi thời, hướng tới tiến bộ, phát triển tốt đẹp, vì thế phải dựa vào dân, tập hợp dân thành phong trào, lực lượng để dân thực hiện.
Trở lại niềm tiếc nuối cao thượng của Người, trong Di chúc, Người chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ Tổ quốc và nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Hoàn toàn chỉ có hy sinh và dâng hiến, không mong được hưởng thụ. Tâm lý đời thường, “ham sống sợ chết” là vậy nhưng Người không mong được sống lâu hơn mà chỉ tâm niệm được phục vụ nhiều hơn. Cao thượng là ở đó. Tự nhận thấy giới hạn ngày càng thu hẹp của sự sống, từ “mấy năm mấy tháng nữa” (năm 1965) đến “mấy tháng mấy năm nữa” (năm 1968), cho đến “còn được bao lâu nữa” (năm 1969), Người càng tiếc nuối nhiều hơn vì không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Như một con tằm nhả đến sợi tơ cuối cùng, như một ngọn nến, cháy sáng đến giọt sáp cuối cùng, Hồ Chí Minh đã tỏ rõ sự tuyệt đối trung thành với lẽ sống của đời mình, một đời tận tụy phục vụ đồng bào, vui niềm vui chung của toàn dân tộc, đau nỗi khổ đau riêng của từng người, từng số phận. Đúng như Người nói, mỗi người có một nỗi đau riêng, mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng. Cộng tất cả nỗi khổ đau đó lại thành ra nỗi đau khổ của chính bản thân tôi.
Bởi thấu hiểu dân nên Người thương dân vô hạn, tin dân và trọng dân suốt đời.
Bởi thấu cảm dân nên Người nói về dân, nghĩ về dân, hành động cho dân bằng động cơ, mục đích vĩ đại, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng tình cảm cao quý và tâm hồn trong như suối nguồn, dạt dào tình thương mến dành cho dân.
Như thế, minh triết Hồ Chí Minh trong Di chúc còn có thể cảm nhận được từ phẩm chất thông tuệ, mẫn tiệp, trực cảm và linh cảm của Người. Hồ Chí Minh trong nhìn nhận của dân tộc và thế giới, Người được ví như một bậc Thánh, như một Bồ Tát trong sự sống, trong cuộc đời.
Ở Việt Nam, cụ Phan Bội Châu thuộc bậc tiền bối, thuộc hàng cha, chú của Người đã thốt lên rằng, “Nếu Nam Đàn có Thánh thì Thánh đó chính là Nguyễn Ái Quốc”.
Ở Nhật Bản, vị đại sư trụ trì ngôi chùa cổ nổi tiếng ở cố đô, “Thanh Thủy Tự” là cụ Ô-ni-si cho biết, Hồ Chí Minh, phiên âm ra tiếng Nhật thì trùng với “BỒ TÁT – TRI – DÂN”. Thật là cao quý mang tầm huyền thoại.
Ở Liên Xô, vào thập niên 60, 70 thế kỷ trước, Khơ-rút-xốp, ở cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đã từng khẳng định, trong phong trào cộng sản quốc tế nếu có bậc Thánh thì Thánh đó chính là đồng chí Hồ Chí Minh.
Mọi sắc thái, cung bậc như vậy từ minh triết Hồ Chí Minh lắng đọng trong Di chúc, tỏa sáng từ Di chúc đến với chúng ta, vượt qua năm tháng thời gian có sức vang vọng lớn tới tâm hồn mỗi người, tới tâm hồn của toàn dân tộc.
Minh triết ấy trở thành những tinh túy trong giá trị sống, trong mục đích, lẽ sống một đời người, của muôn người, muôn thế hệ. Di chúc không chỉ là Quốc bảo mà còn là Pháp bảo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
5. Như đã nói, phong cách là con người, phong cách kết tinh cả tư tưởng, đạo đức, đủ nói lên bản lĩnh văn hóa của con người chủ thể mang phong cách. Đó là Hồ Chí Minh, bậc vĩ nhân, như Chủ tịch Cuba Phi đen Ca-xtơ-rô đánh giá thì Người thuộc về một lớp người đặc biệt, mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt.
Minh chứng cho bản lĩnh văn hóa của Người ta có thể nhận ra từ một dấu hiệu nữa thuộc văn phong trình bày, diễn đạt của Người. Người dùng cái tối thiểu của ngôn từ để truyền tải cái tối đa của tư tưởng, của triết lý và minh triết.
Hồ Chí Minh trong các văn phẩm của mình, đặc biệt trong Di chúc, Người đã sử dụng “chữ ít nhất” nhưng lại có sức biểu đạt “nghĩa nhiều nhất”. Người mang phong vị cổ điển “ý tại ngôn ngoại hàm xúc dư ba”. Người mang cốt cách hiền triết, uyên bác và uyên thâm, tư tưởng – trong rất nhiều trường hợp – không hiện ra trên bề mặt của ngôn từ mà lắng sâu ở bên trong, hiển lộ ở bên ngoài câu chữ. Đó thực sự là nhà tư tưởng mà “tư tưởng ở giữa hai dòng chữ”. Đọc Hồ Chí Minh để tìm thấy sự hiển lộ tư tưởng của Người giữa hai dòng chữ ấy, chính là nỗ lực thấu hiểu và thấu cảm về Người. Hãy lấy một ví dụ. Trong bản văn Di chúc, Người chỉ hai lần sử dụng khái niệm “xã hội chủ nghĩa” và “chủ nghĩa xã hội”.
– Người trù tính đến ngày thắng lợi, Người sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta(17).
– Người căn dặn, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”(18). Nhưng toàn bộ nội dung các bản viết, sửa chữa, bổ sung trong Di chúc của Người, từ năm 1965 đến năm 1969, trong đó có bản viết rất công phu của Người năm 1968 đều toát lên tinh thần, tư tưởng và phương pháp về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Có thể nói, trong Di chúc, Hồ Chí Minh nói ít nhất về chủ nghĩa xã hội, xét về mặt câu chữ nhưng lại nói được nhiều nhất về chủ nghĩa xã hội, xét về mặt tư tưởng, đạo đức và phong cách.
Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu vĩnh biệt Người ngày 9/9/1969 có năm lời thề thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trước anh linh Người. Cả năm lời thề ấy đều được lấy từ nội dung Di chúc.
6. Năm mươi năm qua, trung thành vô hạn với Người, Đảng và nhân dân ta đã thực hiện xuất sắc những lời thề ấy. Và giờ đây, sau nửa thế kỷ thực hiện năm lời thề ấy, chúng ta lại tiếp tục thực hiện Quốc bảo cùng Pháp bảo Di chúc của Người trong hoàn cảnh mới với những điều kiện mới. Ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực trong sạch để thực vững mạnh, xứng đáng là Đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn minh như Người chỉ dẫn và hằng mong – vào lúc này là vấn đề then chốt, hệ trọng nhất, vấn đề của mọi vấn đề.
Được như vậy, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội với tư cách Đảng cầm quyền sẽ làm hết sức mình vì hạnh phúc cuộc sống của nhân dân, sẽ luôn tâm niệm “đầu tiên là công việc với con người” để luôn hành động vì Dân. Đó là cách tốt nhất để Dân tin Đảng, theo Đảng đến cùng và niềm tin của dân là tài sản tinh thần quý giá nhất đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta, là cội nguồn sức mạnh để đổi mới, hội nhập quốc tế của nước ta thành công, để sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh đi tới thắng lợi hoàn toàn.
——————
(1) Hoàng Chí Bảo: Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị – Hành chính, Hà Nội, 2011
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.534
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.131.
(4) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(5) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(6) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(7) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(8) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(9) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(10) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(11) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(12) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(13) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(14) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(15) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(16) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(17) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
(18) Xem Di chúc, Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 15, tr.611-614; tr.615-618; tr.621-624; tr.626-631 (Điếu văn)
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam