Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời chăm lo xây dựng Đảng và rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên. Trong di sản Người để lại, có gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Người cho rằng, đạo đức là gốc của mỗi người, là nền tảng của người cách mạng. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang là phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Qua 70 năm, tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” của Người, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự, tính giáo dục và đậm chất nhân văn; nhất là khi Đảng ta đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, mà đức “Liêm” là một trong những yêu cầu hàng đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
1. Đức “Liêm” trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuối tháng 5, đầu tháng 6/1949, để cổ vũ phong trào Thi đua ái quốc và xây dựng Đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bốn bài đăng trên báo Cứu quốc, lấy bút danh Lê Quyết Thắng, có tên: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Tác phẩm mở đầu bằng lời khẳng định:
“Vì Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người. (1)
Đức Liêm, theo Hồ Chí Minh là một trong những phẩm chất cần thiết, tự nhiên của con người, giống như bốn mùa của trời, bốn phương của đất, có hội tụ đủ mới làm nên một chỉnh thể hoàn chỉnh và thống nhất.
Bài “Thế nào là Liêm” được đăng trên báo Cứu quốc, ngày 1/6/1949, được mở đầu bằng một định nghĩa rất rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu: “LIÊM là trong sạch, không tham lam” (2) . Nhưng chữ “Liêm” trong bối cảnh đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; công cuộc kháng chiến và kiến quốc của nhân dân ta đặt ra những yêu cầu mới. Chữ Liêm trong quan niệm Hồ Chí Minh không bó hẹp trong phạm vi nhỏ, là phẩm chất của một nhóm người, một bộ phận nhỏ mà là tất cả mọi người, từ cán bộ, đảng viên tới quần chúng nhân dân, già, trẻ, lớn, bé… đều phải thực hành “Liêm” để làm trong sạch Đảng, trong sạch Chính phủ, trong sạch đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình, Hà Tây, tháng 4/1963. Người căn dặn: “Lương y như từ mẫu”. Ảnh: Tư liệu.
Người ví: “… ngày xưa, trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi. Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn, là mọi người đều phải Liêm. Cũng như trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân” (3). Và để minh chứng cho tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của đức Liêm, Người khẳng định: Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm, như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Cần, Kiệm mới có Liêm được. Vì lười biếng và xa xỉ mà sinh tham lam. Bằng trí tuệ sắc sảo, những nhận định sâu sắc, Hồ Chí Minh đã phân tích, làm rõ mối quan hệ giữa 4 phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính với một trật tự hợp lý.
Người đã đặt chữ Cần lên trên hết, bởi có Cần mới có cái để Kiệm và có Cần mới biết Kiệm; có Kiệm mới có thể Liêm; có Liêm mới có thể Chính. Đồng thời, Người chỉ rõ những biểu hiện của “bất Liêm” đó là: Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên. Cụ thể hơn nữa, là người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư. Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian bán lậu, chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ. Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào. Người cày ruộng, không ra công đào mương, mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng. Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào. Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình…
Những biểu hiện đầy đủ, rõ ràng, cụ thể của “bất Liêm” cần được nhận thức đúng đắn, phát hiện và phê phán kịp thời để mỗi người tự nhận thức và tránh xa. Hồ Chí Minh cho rằng: Khi Đảng ta là đảng cầm quyền thì đạo đức của mỗi đảng viên không còn là vấn đề “tứ đức” mà gắn với đó là uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân. “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời” (4).
Thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính không đơn thuần là việc tu dưỡng đạo đức cá nhân mà còn là biện pháp quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Hồ Chí Minh còn coi việc thực hành “tứ đức” sẽ tạo ra sức mạnh, bởi: “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.
Tóm lại, LIÊM là một trong những phẩm chất cốt lõi của con người và đã được Hồ Chí Minh đã bàn luận, đán giá một cách hệ thống, sâu sắc, mới mẻ và đậm chất nhân văn. Và chính Người còn là biểu hiện ngời sáng của những phẩm chất cao quý đó.
2. Hồ Chí Minh luôn gương mẫu thực hành đức “Liêm”
Hồ Chí Minh để lại những tác phẩm vô giá bàn về đạo đức; đồng thời, Người miệt mài, tự giác thực hành đạo đức cách mạng một cách cẩn trọng, chắc chắn và tự nhiên. Người ra sức vun đắp, xây dựng đạo đức cho toàn thể nhân dân. Người yêu cầu tất cả mọi người đều phải rèn luyện đức “Liêm”, như những phẩm chất tốt đẹp khác, nhưng cán bộ, đảng viên phải đi đầu để làm gương cho nhân dân học tập. Người nói rõ: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được” (5).
Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng sáng ngời về nhân cách chính trị, về phẩm chất đạo đức thanh bạch, trong sạch; với thái độ sống giản dị, nhân hậu.
Cuốn sách “117 câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ghi lại câu chuyện trong kháng chiến chống Mỹ. Theo đó, một buổi trưa, Bác Hồ tiếp một vị khách là một cụ già ở Hưng Yên. Cùng đi với cụ có một vị lãnh đạo tỉnh; trên xe còn có một thùng cá khá nặng. Vị cán bộ báo cáo Bác thay mặt bà con ở địa phương lên thăm sức khỏe Bác và có ít cá ở đầm Dạ Trạch mới đánh đem lên biếu Bác. Người ân cần hỏi:
– Ao nhà ta có rộng không mà cụ thả được nhiều cá vậy?
– Dạ thưa Cụ, đây là cá của hợp tác xã.
– Cá của hợp tác xã là tài sản chung của bà con, phải để bà con dùng chứ!
– Thưa Cụ, nhờ ông lãnh đạo tỉnh giao, cho nên lần đầu tiên tôi mới được gặp Cụ Chủ tịch nước, thật may mắn cho tôi quá. Còn cá, đã trót mang lên đây rồi, xin Cụ vui lòng nhận cho, chúng tôi khỏi phải đem về.
Hồ Chủ tịch cho mời ông cán bộ phụ trách nhà bếp lên gặp Người và bảo: Chú cân lên xem tất cả là bao nhiêu cân, coi như nhập vào nhà bếp của cơ quan. Và chú tính xem bao nhiêu tiền để gửi cụ cầm về.
Quay sang vị khách quý Hưng Yên, Bác Hồ ân cần nói:
– Tôi xin đa tạ tấm lòng của cụ và bà con xã nhà đối với tôi. Quà của cụ và bà con cho, tôi nhận rồi, còn đây là số tiền tôi gửi cụ đem về nộp vào quỹ hợp tác xã.
Câu chuyện giản dị nhưng thấm đượm bài học về ứng xử khéo léo, không tham của dân lại hết lòng tôn trọng nhân dân của Người.
Là lãnh tụ, với nếp sống giản dị, thanh bạch, Người đi mãi đôi dép cao su đã sờn quai được làm bằng lốp, quai được làm bằng săm ô tô. Khi Bác mất, đôi dép được đặt dưới chân thi hài của Người tại hội trường Ba Đình, Hà Nội. Bộ quần áo kaki và quần áo gụ bạc màu Người đã mặc trong suốt những năm kháng chiến cho tới khi Người qua đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật
của công nhân Nhà máy Ô tô 1-5, tháng 12/1963. Ảnh: Tư liệu.
3. Rèn luyện đức “Liêm” theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Những năm qua, Đảng ta đã nhận thức và chỉ rõ tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Suy thoái về đạo đức sẽ dẫn đến suy thoái về chính trị, ảnh hưởng lớn đến xây dựng về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thoái hoá, biến chất, lập trường tư tưởng không vững vàng. Họ sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi; bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, của lợi ích nhóm… nên đã không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ phải xây dựng Đảng về đạo đức. Thực hành “tứ đức” trong đó có đức “Liêm” là yêu cầu quan trọng, rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về tu dưỡng, rèn luyện đức “Liêm” cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, cần quán triệt sâu sắc những giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Đảng, Nhà nước cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm tốt công tác tuyên truyền, không ngừng nâng cao dân trí, bởi “Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra LIÊM” (6) và pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ “bất Liêm”. Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo hướng cụ thể, thiết thực, gắn liền với các tiêu chí thi đua, phân loại cán bộ, đảng viên.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, cho đất nước và nhân dân, nhất là phải nâng cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu. “Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân” (7). Bởi niềm tin của cán bộ, nhân dân vào Đảng luôn gắn liền với niềm tin vào người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không nêu gương về đạo đức, giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công minh, chính trực thì mọi quy trình, nguyên tắc đều bị bóp méo và trở nên vô giá trị.
Ba là, tăng cường, siết chặt kỷ luật Đảng, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, bởi theo Hồ Chí Minh, “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” (8) . Tăng cường, siết chặt kỷ luật Đảng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và hành động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp của Nhà nước trong mỗi đảng viên. Pháp luật, kỷ cương càng nghiêm minh, cán bộ càng nâng cao ý thức chấp hành, nêu gương, làm gương. Xây dựng và thực hành văn hóa từ chức theo nguyên tắc “làm được việc thì ở, không làm được việc thì lui”.
Bốn là, cần nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, để “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM” (9). Thực hiện lời căn dặn của Hồ Chí Minh, các cấp ủy, chính quyền cần thực hiện có nền nếp và nghiêm túc việc lấy ý kiến của quần chúng; tiếp thu, sửa chữa những phê bình, góp ý đúng đắn. Đối với những ý kiến chưa đúng thì giải thích cho nhân dân hiểu; cần xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân thực hiện vai trò giám sát của mình một cách tự nguyện, tự giác, yên tâm.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi con người, gần 90 năm xây dựng và trưởng thành, phần lớn cán bộ, đảng viên của Đảng luôn gương mẫu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Việc xác định trách nhiệm tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nếp sống “cần, kiệm, liêm, chính, làm việc chí công vô tư”, không kèn cựa, không quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí; luôn gắn bó với nhân dân; luôn nghiêm khắc, thường xuyên tự phê bình và phê bình… để ngày càng tiến bộ. Đó là yêu cầu và cũng là giải pháp hàng đầu góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; thắt chặt hơn nữa mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
PGS, TS Nguyễn Xuân Trung (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân