70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 14-10-2019, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Trao giải cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019. Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành ủy trên cả nước. Tạp 70chí Lý luận chính trị trân trọng đăng bài phát biểu đề dẫn Hội thảo của GS, TS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Cách đây 70 năm với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo Dân vận(1). Tác phẩm có nội dung rất ngắn gọn, ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo, thể hiện tầm cao trí tuệ, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, đặc biệt là những quan điểm, nhận thức mới về vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân; về tầm quan trọng của công tác dân vận và những chỉ dẫn cho toàn Đảng, cho mỗi cán bộ, đảng viên về phương pháp, cách thức dân vận; những yêu cầu phải thực hiện để tập hợp được đông đảo lực lượng nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

1. Tác phẩm “Dân vận” – sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”

Tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống dân tộc và tinh hoa thời đại về vai trò của nhân dân trong lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng của các bậc tiền nhân khi nhìn nhận về vị trí, vai trò, sức mạnh của nhân dân: “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của nhân dân – những người làm nên lịch sử, sáng tạo ra lịch sử, tư tưởng xuyên suốt trong tác phẩm Dân vận của Người là: trọng dân, thân dân, đề cao sức mạnh đoàn kết của nhân dân, lấy đạo lý phục vụ nhân dân làm lẽ sống, là nhiệm vụ cao cả nhất của người cách mạng. Tư tưởng đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích trên nhiều chiều cạnh. Người nói: “Nước ta là nước dân chủ”(2); Nhà nước ta được xây dựng bởi nhân dân, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân; “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Người chỉ rõ, trong một chính thể dân chủ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(3). Đảng và Nhà nước phải lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu tối thượng, mọi hoạt động đều vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân.

Đề cao dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời yêu cầu, nhân dân được hưởng quyền lợi làm chủ và phải có nghĩa vụ và trách nhiệm của người chủ, có trách nhiệm xây dựng và quản lý nhà nước của mình, chế độ do mình lập ra và xã hội do mình xây dựng. Chính nhân dân là chủ thể tổ chức và hành động trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, như Người chỉ dẫn: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”(4).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ “dân vận” cần nhận thức rằng, tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị công tác nào đều phải không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác vận động, tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân để phục vụ và mưu cầu lợi ích của nhân dân. Mọi suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên đều phải “từ quần chúng mà ra và trở lại nơi quần chúng”, đều phải dựa vào dân, “lấy dân làm gốc”, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân.

2. Tác phẩm “Dân vận” – cuốn cẩm nang về công tác dân vận, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về tập hợp, tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, trong tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những vấn đề cốt lõi của công tác vận động quần chúng, từ việc giải thích: “Dân vận là gì?”; “Ai phụ trách dân vận?” cho đến “Dân vận phải thế nào?”; “Dân vận khéo, việc gì cũng thành công”. Những nội dung đó thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp dân vận, nhằm mục đích động viên tối đa sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đặc biệt trong những thời điểm mang tính bước ngoặt cách mạng.

Xuất phát từ mục tiêu xây dựng chế độ xã hội mới, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xác định lãnh đạo công tác dân vận là trách nhiệm của Đảng. Đảng không chỉ xây dựng chủ trương, đường lối về công tác vận động nhân dân, mà còn là người chỉ đạo triển khai thực hiện để đoàn kết, tập hợp hết thảy lực lượng toàn dân tộc: “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Các biện pháp triển khai thực hiện công tác dân vận của Đảng phải vừa bao quát, vừa mang tính cụ thể, thực chất và thiết thực.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị đều phải có trách nhiệm đối với công tác dân vận. Người chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”(5). Trong tổ chức và thực hành công tác dân vận, phải khuyến khích được động lực lợi ích và tính hăng hái cách mạng của quần chúng; trong mọi công việc phải bàn bạc dân chủ với dân, “hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”(6); đồng thời phải “theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”(7). Đặc biệt, Người yêu cầu trong lúc thi hành công tác dân vận, phải chú ý tìm tòi, sáng tạo để có phương pháp “dân vận” phù hợp, hiệu quả mà Người gọi là “Dân vận khéo”. Trước hết là “phương pháp nêu gương”, cán bộ dân vận phải gương mẫu “nói đi đôi với làm”, phải “thật thà nhúng tay vào việc”, “không nói suông”, “chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, phải “làm kiểu mẫu cho dân”(8). Dân vận phải gắn lý luận với thực tiễn, đi sâu đi sát công việc hàng ngày; công tác dân vận phải đi liền với công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời rút kinh nghiệm. Tóm lại, người cán bộ dân vận phải thành thạo kỹ năng, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”(9), gần gũi nhân dân, học dân, hiểu dân, từ đó huy động được tài dân, sức dân phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Với bề dày tri thức và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn về nội dung, nhiệm vụ, phương pháp, lực lượng… làm công tác dân vận, đồng thời cũng chỉ ra những lệch lạc, yếu kém cần khắc phục trong công tác dân vận. Người phê phán: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận”(10), thói phó mặc cho người khác, thói vô trách nhiệm, “tự cho mình không có trách nhiệm dân vận” của một số cán bộ. Đó không chỉ là khuyết điểm mà còn là “sai lầm rất to, rất có hại”(11) đối với sự nghiệp cách mạng. Những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Dân vận là cơ sở, kim chỉ nam cho công tác dân vận của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, là cẩm nang cho mọi cán bộ, đảng viên thực hành công tác dân vận.

3. Thành tựu và bài học qua 70 năm thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh

70 năm qua, những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta giành được trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đều có sự đóng góp to lớn, rất quan trọng của công tác dân vận dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động nhân dân được vận dụng triển khai đã tạo nên những phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp, huy động sức mạnh cả dân tộc phục vụ cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thông qua công tác vận động nhân dân, đã có hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm được huy động, cung cấp cho các mặt trận; hàng chục vạn dân công tự nguyện tham gia phục vụ các chiến dịch quân sự, tiêu biểu là chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác dân vận được triển khai rộng khắp, từ thành phố đến các vùng nông thôn, đồng bằng, miền núi, huy động mọi lực lượng tham gia cách mạng. Đặc biệt, trên địa bàn Tây Nguyên đã có nhiều cán bộ dân vận thực hiện “ba cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số để gây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền chủ trương của Đảng, xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù.

Trong công cuộc đổi mới, thực hiện lời dặn của Người, nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, về dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài,… được Đảng và Nhà nước ta xây dựng, bổ sung và ngày càng hoàn thiện phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, chỉ rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Kết luận số 43-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là: phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị về công tác dân vận.

Thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân vận, hệ thống dân vận tiếp tục được đổi mới, kiện toàn. Công tác dân vận đã chú trọng thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thông qua Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” và cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” đã giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nhu cầu chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp đạt nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ nét, trở thành nền nếp. Nội dung vận động nhân dân được đa dạng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, hướng vào các chủ đề, vấn đề mang hơi thở thực tiễn cuộc sống.

Phương thức vận động nhân dân được triển khai theo nhiều kênh, bằng nhiều hình thức phong phú, nhiều phương pháp hay, cách làm hiệu quả. Các phong trào thi đua yêu nước được đông đảo nhân dân ủng hộ, tham gia, làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn. Đó là những minh chứng hùng hồn về sức mạnh vĩ đại của toàn dân khi được Đảng lãnh đạo, cả hệ thống chính trị khéo tổ chức, khéo vận động và phát huy trong sự nghiệp cách mạng.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được trong công tác dân vận, đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa có tác phong “làm dân vận” như lời Bác dạy. Một bộ phận cán bộ có biểu hiện quan liêu, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng nhân dân, không lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân; phai nhạt về lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống. Một số cấp ủy đảng phạm phải sai lầm trong công tác dân vận: vi phạm nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, vi phạm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, bao che cho cán bộ vi phạm nhằm mưu lợi cá nhân và lợi ích nhóm gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhận thức được những hạn chế, yếu kém này, Đảng ta đã chỉ đạo: Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân(12). Đó cũng là bài học kinh nghiệm lớn, sâu sắc cần được vận dụng và phát huy trong tình hình hiện nay.

4. Tiếp tục phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong tình hình mới

Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, công tác dân vận phải có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, khoa học về những nhân tố thuận lợi và những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Vận dụng sáng tạo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, trách nhiệm của Đảng là xây dựng đường lối vận động nhân dân phù hợp, trên tinh thần phát huy dân chủ, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải lắng nghe ý kiến và sáng kiến của nhân dân, thực sự gắn bó mật thiết với nhân dân; phát huy mọi tiềm năng, sức mạnh của nhân dân, “đem tài dân, sức dân, để làm lợi cho dân”. Công tác dân vận một mặt phải tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống hiệu quả sự chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Để vận động nhân dân hiệu quả, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác dân vận, phải trang bị cho mình trình độ chuyên môn, kiến thức về khoa học lãnh đạo, quản lý; năng lực dự báo, tổng kết thực tiễn, đồng thời có khả năng tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Để làm tốt công tác dân vận, theo chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải: “Tự mình hiểu rõ 100 phần 100 chính sách ấy; Hiểu rõ dân 100 phần 100; Có kế hoạch dân vận thật rõ ràng, thật thiết thực; Tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì mọi người dân mới nghe; Làm việc với tinh thần Thi đua ái quốc”(13). Đồng thời với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ biết làm “dân vận khéo”, phải sàng lọc những người thiếu năng lực, yếu kém về phẩm chất đạo đức ra khỏi đội ngũ cán bộ; chú trọng đầu tư công tác nghiên cứu “khoa học dân vận”; kịp thời đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.

Ra đời cách đây đã 70 năm, tác phẩm Dân vận đã trở thành cơ sở lý luận, kim chỉ nam cho công tác vận động quần chúng của Đảng và hệ thống chính trị. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Dân vận thể hiện sinh động, sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Dân vận của Người vẫn nóng hổi tính thời sự, vẹn nguyên giá trị, khẳng định sức sống trường tồn, tiếp tục dẫn đường, soi sáng cho công tác dân vận của Đảng, nhằm xây dựng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng và phát huy tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong trong tình hình mới.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019

(1) Ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Dân vận đăng trên báo Sự thật, số 120.

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.232, 232, 232, 233, 233, 233, 233, 233-234, 234, 233-234, 279.

(12) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) năm 2011.

                                                                                                  GS, TS NGUYỄN XUÂN THẮNG

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.