(GDVN) – Có một sự thật cay đắng cần phải được thừa nhận, đó là thói gian dối đang tồn tại trong môi trường giáo dục, từ học sinh đến thầy cô và thậm chí là lãnh đạo.
Gian dối từ một kỳ thi quốc gia
Vụ việc gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình đang từng bước được mở rộng điều tra.
Nhiều thí sinh đã bị buộc thôi học, hoặc chủ động rút hồ sơ trước khi bị cho nghỉ học, khiến cho câu chuyện minh bạch, gian dối tồn tại trong ngành giáo dục đang được dư luận rất quan tâm.
Gia thế của những thí sinh được nâng điểm ấy cũng đang dần được lộ diện. Cha mẹ của các em toàn là những người đang có chức vụ, địa vị, là công chức, viên chức từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất lại có không ít trong số đó đang giữ những vị trí lãnh đạo của ngành giáo dục.
Cuộc vận động hai không “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” đã được phát động, thực hiện từ hơn 10 năm trước đây. Lúc đó, chủ trương này được coi như là một giải pháp đột phá, nhằm chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương của ngành.
Những thí sinh gian lận điểm thi đều là những người trưởng thành, và các em đều phải tự chịu trách nhiệm với hành vi này.
Với thi trắc nghiệm, thí sinh có thể chấm được điểm bài làm của mình, ngay sau khi đáp án được công bố. Do đó, không thể nói rằng, các em không biết mình đang bị gian lận điểm thi.
Cần phải dứt khoát loại bỏ sự gian dối tồn tại trong ngành giáo dục (ảnh minh họa: GDVN) |
Chính những điểm số này sẽ thay đổi tương lai của chính các em. Những chiếc ghế trên giảng đường đại học, thay vì dành cho những học sinh thật sự có năng lực, nay đã biến thành một sự đổi chác, của những thí sinh yếu kém, nhưng lại có cha mẹ đang giữ những vị trí lãnh đạo.
Và những học sinh có tài, học giỏi nhưng bị đánh cắp ước mơ đại học qua vụ việc này, ai sẽ là người đền bù thiệt hại cho các em?Nếu chúng ta tiếp tục che giấu, không công khai danh tính những vị phụ huynh, thí sinh này, thì chính những “con sâu” như vậy sẽ là một mầm mống rất lớn, có thể làm tổn hại đến uy tín của các trường đại học.
Nếu không bị phanh phui hôm nay, mai này, các em trở thành những công dân trong xã hội, là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên…cũng có thể do gia đình có gia thế lớn, các em cũng có thể trở thành các cán bộ quản lý, nhà lãnh đạo trong xã hội.
Lúc đó, xã hội và tương lai của đất nước sẽ ra sao, nếu các em lại tiếp tục dùng những kiến thức ảo để làm những việc thật trong xã hội? Ai có thể dám chắc rằng, họ sẽ lại không tiếp nối truyền thống thi cử của chính mình trong quá khứ?
Một bộ phận lãnh đạo ngành giáo dục cũng gian dối như thường
Điểm qua một số vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục đang được quan tâm, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, sự gian dối này lại xảy ra ngay trong chính những người đang giữ các vị trí lãnh đạo của ngành.
Vụ việc gian lận điểm thi vừa được công bố tại tỉnh Sơn La, trong số danh sách các thí sinh đang là con em của các cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh này, thì có ít nhất ba trường hợp là con của cán bộ chủ chốt thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh này.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố, đô thị lớn nhất nước, mới đây, người ta lại phát hiện một trường hợp chuyển trường lạ đời của một em nữ sinh lớp 10.Ở tỉnh Sóc Trăng, vụ việc hai lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh này, cùng với hơn 30 Hiệu trưởng ở các trường trong tỉnh, đi tham quan Côn Đảo, nhưng lại báo cáo là đi dự hội thảo, một lần nữa khiến chúng ta giật mình về thói gian dối.
Điều đáng nói, em này có cha đang là Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông lớn ở quận 5. Em thi rớt vào trường của cha mình đang là lãnh đạo, nhưng chỉ chuyển về học ở một trường khác (cách trường này chưa đến 2km) một thời gian rất ngắn, xong lại nghiễm nhiên chuyển về lại học trường của cha mình.
Đặc biệt, đơn xin chuyển trường này của em lại có bút phê của một vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, mà theo như cách nói của ông giải thích với các nhà báo là “linh hoạt, anh em cán bộ trong ngành, gia đình lại đơn chiếc”.
Cái nguy hại ở đây là họ đang cố tình gian dối, đánh lừa xã hội, chấp nhận thỏa hiệp và thông đồng với cái sai. Biết sai nhưng vẫn cố tình thực hiện, nhằm đạt được những lợi ích, mưu cầu dành riêng cho cá nhân.Đây quả thật là một cách lách luật vô cùng ngoạn mục, gian dối và ngụy biện của chính những người làm lãnh đạo trong ngành, vì ai cũng có thể hiểu được rằng, việc chuyển trường như vậy chắc chắn là không đúng về mặt quy định của pháp luật.
“Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo” – là câu khẩu hiệu nhắc nhở từng nhà lãnh đạo, từng thầy cô giáo phải có trách nhiệm, đóng vai trò nêu gương cho học sinh, tạo dựng một niềm tin cho toàn xã hội, xây dựng nên vị thế người thầy trong phụ huynh, học sinh.
Gương mẫu luôn là một sức mạnh đạo đức để tạo ra uy tín, ảnh hưởng cho toàn xã hội. Nhờ có đạo đức mà quyền lực không bị lạm dụng, lợi dụng vào những mục đích bất minh.
Trong giáo dục, một khi các nhà lãnh đạo lấy chức vụ để biến giả thành thật, thì các em học sinh sẽ biết noi gương ai đây? Thật sự cay đắng khi thói gian dối vẫn đang tồn tại trong ngành giáo dục, từ học sinh đến thầy cô và ngay cả chính những người lãnh đạo.
Thử hỏi rằng, nếu học sinh gian dối thì bị phê bình, còn thầy cô, lãnh đạo gian dối thì sẽ bị xử lý sao đây?
Sẽ có rất ít hy vọng vào sự thay đổi của ngành giáo dục, vào công cuộc đấu tranh chống cái sai, chống vào sự thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nếu chúng ta không mạnh tay loại trừ những cá nhân hợp tác, thông đồng với gian dối.
Giáo dục luôn được giao một trọng trách trồng người. Nếu tiêu cực trong thi cử còn tồn tại, những lời nói xảo ngôn, lấp liếm, thiếu trung thực, gian dối vẫn còn tiếp diễn, thì ai sẽ dạy cho các em học sinh niềm tin, sức mạnh vào cuộc sống, lẽ công bằng và tôn trọng pháp luật. (giaoduc.net.vn)